Phát triển và suy tàn Nhu_Nhiên

Giữa người Nhu Nhiên và người Hephthalite xảy ra tranh chấp và các vấn đề trong liên minh của họ được các sứ thần Trung Hoa kích động thêm. Năm 508, người Cao Xa đánh bại người Nhu Nhiên. Năm 516 người Nhu Nhiên phục thù và đánh bại người Cao Xa. Trong liên minh Nhu Nhiên có một bộ lạc gốc Turk được sử sách Trung Hoa gọi là Đột Quyết.

Sau khi đề nghị hôn nhân với người Nhu Nhiên bị từ chối thì thủ lĩnh Đột Quyết đã ngả sang theo Tây Ngụy, triều đại kế tục Bắc Ngụy, và nổi dậy chống lại người Nhu Nhiên. Năm 555, họ chặt đầu khoảng trên 3.000 người Nhu Nhiên. Các sử sách châu Âu nói chung cho rằng người Nhu Nhiên sau đó chạy tới phía tây, vượt qua thảo nguyên và trở thành người Avar, mặc dù điều này có lẽ là sai lầm hay ở trường hợp tốt hơn thì cũng chỉ là sự đơn giản hóa thái quá. Phần còn lại của người Nhu Nhiên chạy tới Trung Quốc và trở thành những người canh giữ biên cương và cuối cùng biến mất mãi mãi như là một chính thể. Khả hãn cuối cùng của Nhu Nhiên chạy tới chỗ triều đình Tây Ngụy, nhưng thể theo yêu cầu của Đột Quyết, Tây Ngụy đã cho tử hình ông này cùng các quý tộc chạy theo ông ta.

Châu Á khoảng năm 500, chỉ ra vị trí của đế quốc Nhu Nhiên (trên bản đồ ghi là Khanate of the Juan-Juan) và các quốc gia láng giềng.

Người ta biết rất ít về giai cấp thống trị tại đế quốc Nhu Nhiên, trong Ngụy thư thì người ta cho rằng họ là hậu duệ của người Tiên Ti. Người Nhu Nhiên chinh phục khu vực ngày nay là Tân Cương, Mông Cổ, Trung Á và một phần Siberi cùng Mãn Châu từ cuối thế kỷ 4. Sự can thiệp và xâm lăng thường xuyên của họ có ảnh hưởng sâu sắc tới các quốc gia láng giềng. Mặc dù họ chấp nhận thị tộc Ashina (A Sử Na) của người Đột Quyết vào liên minh của mình, nhưng quyền lực của người Nhu Nhiên lại bị phá vỡ bởi chính liên minh giữa Đột Quyết với các triều đại Bắc Tề, Bắc Chu tại Trung Quốc cùng các bộ lạc khác tại Trung Á vào năm 552. Chẳng hạn, Bắc Ngụy đã thiết lập 6 đơn vị quân sự đồn trú trên biên giới với Nhu Nhiên, mà sau này trở thành tiêu điểm của một số vụ nổi dậy lớn đầu thế kỷ 6.